Giới thiệu phim Với phim
Rừng Na Uy,
người đạo diễn tài danh này cũng dành nhiều sự chăm chút, trau chuốt để
có được những thước phim đẹp. Từng cảnh quay đều được tính tóan và chọn
lựa kỹ lưỡng. Đạo diễn chia sẻ:
“Tôi
không tìm cách tái tạo những cảnh trong cuốn tiểu thuyết. Tôi muốn tìm
những nơi để có thể ghi lại những hình ảnh rực rỡ nhất có thể”. Trong cuốn tiểu thuyết, lần đầu
Watanabe đến thăm
Naoko ở
trung tâm điều dưỡng là vào mùa thu, nhưng thời điểm này, các đồng cỏ ở
Nhật Bản mọc quá cao. Vì thế, để có được bức nền cảnh cánh đồng cỏ đẹp
nhất và lột tả chân xác nội tâm nhân vật, đạo diễn đã phải thay đổi thời
gian quay. Những bước chân hụt hẫng theo sau
Naoko của
Watanabe giữa đồng cỏ xanh mướt mờ sương như chính cảm xúc bối rối muốn được che chở cho
Naoko mà dường như điều này là quá sức với anh.
Lần đầu tiếp cận tác phẩm văn học
Rừng Na Uy, điều khiến đạo diễn
Trần Anh Hùng ngay lập tức bị cuốn hút không chỉ bởi câu chuyện về đời sống người trẻ
tuổi đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc sống mà còn bởi yếu tố nhục dục,
những trải nghiệm tình dục của nhân vật chính trong quá trình tìm đến
bản ngã đích thực của mình. Như đạo diễn chia sẻ:
“Tôi muốn miêu tả điều này bằng những hình ảnh cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là những khoái lạc dục tính mang tính dung tục”. Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh
Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc
Rừng Na Uy của ban nhạc
The Beatles khi đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim
Rừng Na Uy được đạo diễn
Trần Anh Hùng kết cấu lại bằng điểm nhìn thời hiện tại, ở đó, các nhân vật được gắn
kết với nhau theo tuyến tính thời gian. Điểm khác biệt này, như chia sẻ
của đạo diễn, sẽ giúp người xem cảm nhận câu chuyện tình theo một hướng
mới, đặc biệt là sự chân xác trong những cung bậc cảm xúc của những
người trẻ tuổi: lúc mê say nhiệt thành mãnh liệt, lúc hoang vắng xót xa
và cả những khoảng trống vô bờ trong lòng mà không sao lấp đầy.
Câu chuyện tình trong tác phẩm văn học
“vô cùng nhạy cảm, mang trong mình cả yếu tố đột phá quyến rũ lẫn vẻ đẹp mong manh bí ẩn” (
Trần Anh Hùng nói) được đạo diễn xử lý tinh tế trên nền cảnh xanh vượt tầm mắt của
những đồng cỏ trải dài, của những cánh rừng ngút ngàn, của những vùng
đất phủ mờ tuyết trắng. Giữa “hoang mạc” tuyết trắng ấy,
Watanabe lạc lõng, cô đơn đi tìm cái tôi đã mất.
Rừng Na Uy không dành cho những người vội vã, tìm kiếm những gì sẵn có mà dành cho
những ai muốn khám phá tâm hồn mình, tìm lại những xúc cảm nguyên sơ,
bồng bột thời tuổi trẻ.
Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của
Haruki Muarakami với hơn 10 triệu bản sách đã được xuất bản, 2,6 triệu ấn bản khác cũng
đã đến tay nhiều độc giả trên thế giới. Không ít những lời đề nghị
chuyển thể
Rừng Na Uy thành tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn tên tuổi nhưng cuối cùng
Murakami chọn
Trần Anh Hùng làm đạo diễn chính cho bộ phim. Sự lựa chọn của nhà văn kỹ tính người Nhật Bản này chắc chắn phải xuất phát từ niềm tin
Trần Anh Hùng có thể làm tốt việc truyền tải vẻ đẹp của tác phẩm từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ của hình ảnh.
Trần Anh Hùng là đạo diễn gốc Việt nổi tiếng với những bộ phim
Mùi đu đủ xanh (1992)
từng giành giải thưởng Camera d'Or tại Liên hoan phim Cannes 46 và Giải
thưởng phim đầu tay xuất sắc nhất tại Cesar 19. Bộ phim cũng được đề cử
cho Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Bộ phim thứ hai của
ông,
Xích Lô (1995), giành giải Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 52.
Dàn diễn viên chính của Rừng Na Uy chụp ảnh ở LHP Venice Rừng Na Uy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của
Watanabe với nhiều biến động tình cảm.
Watanabe từng có tình bạn bộ 3 thân thiết với
Kizuki - Naoko. Kizuki đột ngột tự tử ở tuổi 17 để lại cú sốc tinh thần cho cả
Watanabe và
Naoko. Sau khi rời bỏ Kobe với nhiều nỗi u buồn để lên Tokyo,
Watanabe đến với
Naoko như một lẽ tự nhiên xoa dịu vết thương lòng. Trong quãng thời gian học đại học, chàng trai đa cảm
Watanabe đã rơi vào mê cung tình cảm giữa hai người con gái đối lập về tính cách: một
Naoko trong sáng, nhạy cảm, yếu đuối và một
Midori hoạt bát, sống động, luôn đem đến cho anh nhiều bất ngờ khám phá. Ở giữa hai người con gái,
Watanabe rơi
vào hai trường cảm xúc: vừa bi thương, tuyệt vọng vừa khát khao sống,
không thôi hy vọng vào tương lai. Câu chuyện tình được đặt trong bối
cảnh những năm 1960 đầy biến động đã miêu tả chân thực chân dung những
người trẻ tuổi với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch
xót xa.
Kenichi Matsuyama trong vai Watanabe Vào vai chàng trai
Watanabe với đời sống nội tâm phức tạp, nhiều mâu thuẫn giằng xé là một trải nghiệm mới của diễn viên trẻ
Kenichi Matsuyama (từng đóng
Death Note, Gantz, 1 Litre of Tears). Trong bài trả lời phỏng vấn,
Matsuyama chia sẻ:
“Đây là vai diễn có sức nặng rất lớn bởi Watanabe bị
kéo theo hai hướng ngược nhau: giữa sự sống và cái chết, giữa quá khứ
và tương lai. Để nhập được vào vai diễn này, trong những cảnh quay của
tôi và nhân vật Naoko, tôi cảm thấy rõ nét nỗi khổ đau, trong những cảnh quay với Midori, tôi có thể cảm thấy trái tim Watanabe được thổi đầy niềm vui với cô ấy. Sự chia sẻ của đạo diễn cũng đã giúp tôi hoàn thành tốt vai diễn của mình.”Rinko Kikuchi trong vai Naoko Bên cạnh đó, nhân vật
Naoko trong bộ phim
Rừng Na Uy là một vai diễn khó, đầy thử thách với
Rinko Kikuchi (nổi danh với vai diễn cô gái câm trong phim
Babel).
Naoko yêu
Kizuki tận đáy lòng mà không thể đón nhận người tình. Với
Watanabe, cô mong mỏi
Watanabe có
thể là điểm tựa để níu giữ cô ở lại với cuộc đời mà thất bại. Nhân vật
này đi qua nhiều trường cảm xúc đan xen: yêu mãnh liệt trong vô vọng,
khấp khởi hy vọng và tuyệt vọng.
“Tôi
tự cảm thấy phải làm tròn vai diễn này. Tôi đã nhập vai hết sức có thể,
tạo ra những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ sâu trong trái tim. Sự mất mát mà Naoko phải
chịu đựng quá lớn như đã tràn sang cả cho tôi. Lần đầu tiên, tôi đã
dành nhiều thời gian cho vai diễn cảm xúc này như thế”. Kiko Mizuhara trong vai Midori Ngoài
Kenichi Matsuyama và
Rinko Kikuchi, một nhân vật quan trọng không kém trong cuộc đời của
Toru là cô gái
Midori sẽ do gương mặt mới toanh -
Kiko Mizuhara đảm nhận. Từng nhận vương miện Miss Seventeen năm 2003 và xuất hiện
thường xuyên trên sàn diễn thời trang Tokyo Girls Collection, nhưng vai
diễn
Midori trong phim
Rừng Na Uy là vai diễn đầu tiên của cô. Nói về sự lựa chọn
Mizuhara cho vai diễn
Midori sống động, cá tính, đạo diễn
Trần Anh Hùng cho biết:
“Những
gì mà mọi người cảm nhận khi gặp cô ấy là một cảm giác ấm áp tuyệt vời.
Đây là điểm quan trọng làm nên sức sống của nhân vật Midori. Chính vì thế tôi đã chọn cô ấy”.
Theo bomtan.com